CHƯƠNG 41 - NHỚ VỀ THỦY



Sau khi bạn sống đủ lâu như một tù nhân, bạn sẽ coi trọng những điều rất khiêm tốn. Kẹo đường tan thành si-rô trên lưỡi khi bạn đói. Một nốt nhạc đã mất. Giai điệu của một bài thơ bị cấm. Thủy là người tôi yêu quý nhất trong suốt những năm qua.

Thủy là tất cả những gì tôi trân quý, mong manh, thiêng liêng. Cô ấy cũng như tên của cô ấy—dòng nước thuần khiết cuốn trôi tôi, giải thoát tôi khỏi mọi tủi nhục mà tôi đã phải chịu đựng.

Những khoảnh khắc nhóm chúng tôi tụ tập bên nhau quanh các quán cà phê vào ban đêm là một trong những khoảnh khắc quý giá nhất mà tôi từng biết. Dù đó là bí mật giữa chúng tôi, Thủy thích tôi hơn bất kỳ chàng trai nào khác.

Nếu cuộc đời không thay đổi thì ký ức của tôi về Thủy có lẽ đã không quan trọng như vậy. Cô ấy sẽ chỉ là một cô gái mà tôi nghĩ là dễ thương và gặp trong một bữa tiệc.


*****

Mặt trời như thiêu đốt trên lưng khi tôi cúi xuống, xẻ chiếc cuốc của mình vào những gốc cây cao đến đầu gối để phát quang cánh rừng. Tôi quay lại nhìn quả cầu lửa trên bầu trời xanh nhạt, trên ngọn núi sâu, xanh thẫm màu ô liu.

Vị trí của mặt trời có nghĩa là lúc đó khoảng 4 giờ chiều, thời điểm mà không khí làm cho lưỡi tôi có cảm giác khô ran như nước vắt ra từ một chiếc khăn lau cũ.

Và tên lính gác công an lại keo kiệt với giờ nghỉ của chúng tôi.

Tôi ấn chặt chiếc mũ tai bèo vào đầu. Tôi giơ cuốc lên rồi bổ xuống như một thanh kiếm, chặt mạnh vào bộ rễ cứng của một cây lớn. Tôi chăm sóc chiếc cuốc của mình rất cẩn thận, mài nó gần như theo đúng nghi thức, nhưng ngày hôm đó, tôi cảm thấy vô ích.

“Chuyến thăm mẹ của ông thế nào, Thanh?” Quang hỏi.

Quang là một trong số ít người ở trại cải tạo đồi Phương Vi chưa từng đi lính.

Anh ta thường phản đối việc cải tạo của mình bằng cách làm lười biếng.

“Chuyến thăm vẫn thường, anh” tôi nói dối.

Một cơn chóng mặt ập đến, khiến ruột tôi như muốn nôn ra ngoài. Tôi chống cuốc trên mặt đất để giữ thăng bằng. Tôi với tay lấy lon Guigoz đen thui của mình trên một gốc cây. Bên trong, chỉ còn lại vài ngụm nước.

Tôi lau mồ hôi trên trán và định thần lại.

Đầu tiên, tôi nhắc nhở mình rằng chúng tôi đang ở đâu. Cánh đồng chúng tôi đang san lấp để trồng cây nằm lưng chừng đồi Phượng Vĩ, ngọn đồi mang tên trại cải tạo. Hơn ba nghìn tù nhân sống ở đó, bao quanh bởi những cây mục nát và tươi tốt, che khuất những hàng rào thép gai.

“Trời đang bớt nóng,” Quang nói.

Nó không hề bớt nóng. Hơi nóng dao động trong không khí như dầu mỡ trên vỉ nướng. Nhựa thơm gỗ thạch và gỗ thông treo lơ lửng trong lỗ mũi tôi.

“Nếu ông đứng thật yên, ông gần như có thể cảm nhận được điều đó.”

“Cảm thấy cái gì?” Tôi hỏi.

“Có một cơn gió núi nhẹ lay động từ phía sau,” Tha, đứng gần đó, nói xen vào.

Tôi tiếp tục cuốc cây. Tôi không đủ kiên nhẫn với nhà thơ Tha.

“Để tôi canh cho,” Quang nói.

Bắp tay tôi bắt đầu co giật vì mệt mỏi. Tôi nhắm cái cuốc lại gần cái gốc cây dai nhách và bổ mạnh và ngắn. Tôi cuốc nhầm vào một tảng đá, nhắm lại, cuốc mạnh hơn. Mùi ẩm mốc của đất ướt cũ bốc lên.

“Mùi đất cũng giống như việc anh chơi ghi-ta vậy, Thanh. Tiếng rung động lan truyền lên trong không gian,” Tha nói.

“Chả có gió gì cả,” tôi trả lời, cố tỏ ra ác ý. Tôi quay lưng lại Tha và tiếp tục công việc.

Cái cây bắt đầu lung lay, tôi ném cái cuốc xuống đất, nắm thân cây, đẩy qua đẩy lại, ngắn, nhẹ nhàng cho đến khi rễ bắt đầu nhúc nhích.

Ký ức về bạn gái cũ của tôi, Thủy, ùa về. Cô đứng trên hiên lầu nhà bố mẹ, bóng đèn mờ soi bóng cô trong đêm. Cô vén mái tóc đen dài qua vai, để lộ những đường xương mảnh mai ở cổ và ngực.

“Tụi lính canh đang ở tận trên ngọn đồi lận. Thong thả đi”, Quang nói.

Tên của cô ấy hình thành trong đầu tôi.

Thủy.

Người chết quay trở lại với chúng ta vào những thời điểm kỳ lạ. Ký ức trườn về như con thằn lằn, không bao giờ dừng lại quá lâu. Chúng ta tìm về ký ức một cách bừa bãi giống như chúng ta săn đuổi theo thú vật theo bản năng sinh tồn để lấp đầy sự trống rỗng trong bụng và trái tim của chúng ta.

Và chỉ mới một ngày kể từ khi tôi biết tin Thủy đã ra đi.

“Gần đến giờ nghỉ lao rồi,” Tha nói.

Tôi ngừng cuốc trong một giây, tỏ ra đã có nghe. Tha chỉ lớn hơn tôi hai ba tuổi nhưng lại trẻ con hơn trong cách trốn tránh công việc.

“Anh thấy đấy,” Tha nói.

Tôi nhìn xuống ngọn đồi nơi người công an đang trò chuyện với một công an vũ trang khác.

Quang mỉm cười với tôi, để lộ hàm răng xấu xí của mình. Trán anh ấy nhíu lại, bận tâm. Quang không phải là kẻ hay gây rối. Anh rất cẩn thận vì đã ở tù hơn năm năm và nhiều tuần bị biệt giam.

“Ông có chuyện buồn từ chuyến viếng thăm vừa rồi hả?” anh ấy hỏi tôi. 

Khách thăm nuôi của chúng tôi được phép thăm ba tháng một lần. Nếu mẹ tôi đến, bà sẽ ngồi và chồm lên gần sát tôi  và kể lại danh sách những người đã bỏ đi, hay bị công an lôi ra khỏi nhà trong giữa đêm. Nhiều người chết trong trại cải tạo vì sốt rét hoặc đói khát. Những người khác, như Thủy, thì đã chết đuối cùng gia đình khi cố gắng vượt biên.

“Không, không có gì đâu,” tôi nói.

“Nghỉ giải lao, nghỉ giải lao,” một người công an cộc cằn nói lớn.

Cuối cùng cũng đến giờ nghỉ mười lăm phút.

Tha và Quang để tôi lại một mình, ngồi trên sườn đồi tựa vào thân cây gỗ đỏ non. Tôi nhấm nháp nước từ từ để thưởng thức nó trước khi nuốt. Mặt trời đã bắt đầu lặn. Một làn gió mỏng thổi nhẹ sau gáy. Tôi ấn lòng bàn tay vào chiếc quần mỏng, cảm nhận làn da trần của mình qua khe hở nhỏ. cái lỗ mà tôi đã quá mệt mỏi với việc vá lại. 

Nước và gió đã giúp cho cơ thể và tâm trí của tôi đã được thanh thản. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, tưởng tượng Thủy, mái tóc đen dài của cô ấy đang chạm vào cánh tay tôi. Tiếng cười khúc khích, hiếm hoi, vì Thủy rất nhút nhát, và điều đó đã khiến cô trở nên trân quý hơn.

Tôi sờ vào vết lõm giữa họng và cổ nơi Thủy đã từng chạm vào tôi, trước khi tôi hôn nhanh lên trán cô ấy. Ngọn núi đang sẫm lại thành một màu xanh xám.

Tôi đang ở trong trạng thái mơ tưởng mà nhà thơ Tha luôn sống ảo thì có một con bướm trắng bay cách mặt tôi vài phân. Tôi chưa bao giờ thấy một con bướm trong rừng đồi này.

Tôi nhìn nó đậu xuống một đám cỏ dại màu vàng, đôi cánh chắp lại hai lần trước khi nó bay trở lại lên không trung, lơ lửng một chỗ trong gió. 

Một ký ức quay trở lại trong tôi. Lúc ở tiểu học, tôi có có đọc một câu chuyện cũ nào đó về một người lái tàu lửa. Một đêm nọ, anh ấy đang lái tàu và vẫn còn một ca làm việc dài phải hoàn thành.

Đêm khuya ấy, đoàn tàu đang đi trong cơn giông bão. Có một con bướm xuất hiện trong bão tố và bắt đầu vỗ cánh rồi nằm bẹp trên kính chắn gió. Nó bị kẹt.

Người lái tàu không thể nhìn đường vì trời mưa lớn và con bướm kỳ lạ làm anh phân tâm, không lái tàu được. Anh ta liên tục di chuyển cần gạt nước để đuổi con bướm đi. Nó có hiệu lực nhưng con bướm vẫn tiếp tục quay trở lại. Khi mưa gió ngày càng nặng hơn và con bướm bay chập chờn khắp nơi trước kính, người lái tàu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng đoàn tàu lại. 

Hóa ra con tàu chỉ cách cây cầu vài giây khi nó bị thổi bay và cuốn trôi đi dưới dòng sông chảy xiết. Sau này, khi người lái tàu biết được tin về cái chết của vợ mình vào đêm hôm đó, anh ta tin rằng con bướm là linh hồn của vợ mình về và đến cứu mạng anh.

Tôi không biết đã mấy giây hay mấy phút trôi qua khi tôi nhớ lại câu chuyện này.  Con bướm trắng không rời, bây giờ bay quá gần đầu tôi. Tôi búng tay vào nó để cố gắng đuổi nó đi xa. Nó không rời bỏ tôi.

Tôi chưa bao giờ là người mê tín. Mẹ tôi có một bàn thờ trong nhà nhưng tôi chưa bao giờ tin tưởng tuyệt đối vào tôn giáo. Tuy nhiên, con bướm vẫn bay lượn và muốn tôi chú ý.

Tôi nghe thấy những người phía sau tôi trên đồi, nói chuyện xì xào, cười đùa. Cánh rừng bên dưới đã được khai quang một phần tư. Nhưng tôi không còn cảm thấy mệt mỏi nữa.

Tôi tưởng tượng mình có thể ngửi thấy mùi da của Thủy, mùi muối và men từ tiệm bánh của gia đình cô ấy.

Con bướm cứ bay lượn.

Tôi vẫn còn khó chịu. Nhưng tôi cũng muốn tin.

Trong tâm trí tôi, tôi đã nói chuyện với cô ấy.

Được rồi, nếu bướm là Thủy, hãy cho tôi biết.

Con bướm vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Nếu bướm là Thủy, hãy cho tôi biết. Hãy đậu lên tôi.

Con bướm đậu trên vai tôi.

Một luồng hơi ấm tràn vào cơ thể tôi. Tôi biết đó là Thủy.

Dù xa nhau nhưng tình yêu vẫn còn đó.


(An excerpt from my memoir Rain On The Red Flag, translated to Vietnamese)


Comments

Popular posts from this blog

Rain On The Red Flag - A Memoir by Frank Thanh Nguyen

RAIN ON THE RED FLAG - BOOK REVIEW BY REEDSY DISCOVERY

APRIL 30th, 1975 - THE FALL OF SAIGON (EXCERPT FROM RAIN ON THE RED FLAG MEMOIR)