Nhạc Lam Phương và Kỷ Niệm
Lam Phương không phải là thần tượng âm nhạc của tôi. Thế nhưng những bản nhạc tôi yêu thích của ông đều gắn liền với những kỷ niệm vụn vặt, khó quên.
Nắng ấm bình minh thường biểu tượng cho một sự hy vọng, một niềm tin mới, một bắt đầu. Giọt sương mai là một cái đẹp mong manh, tinh khiết, hư ảo. Thế nhưng khi Lam Phương đem vào giòng nhạc buồn, trữ tình, ta mới thấy cái thật của Lam Phương. Bán nhạc bắt đầu từ tông điệu cao, chậm, buồn và lãng mạng:
Nắng xuyên qua lá,
Rồi như một lời thở than nhẹ nhàng, dòng nhạc rơi xuống với tuyệt vọng và đau thương:
Hạt sương lìa cành
Để rồi thay vì cái đẹp của ánh bình minh và giọt sương mai, chỉ là nỗi buồn thân phận, một sự chấp nhận:
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Một chấp nhận cho cuộc tình dang dở, đau buồn mà không mấy ai trong chúng ta đều không trải qua trong đời:
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh.
Một Mình là một tác phẩm sau này của Lam Phương sau bao cuộc tình tan vỡ, như một lời tâm sự mà tôi chợt nghe được rất tình cờ, rất cá nhân, và cảm nhận.
Khi tôi 9,10 tuổi, buổi tối sau bữa cơm chiều, như một thói quen trịnh trọng, gia đình tôi quây quần trong một căn phòng khách chật hẹp ở Phú Thọ, Saigon. Bố mẹ tôi ngồi trên ghế salon, nhâm nhi ly cà phê sữa nóng, chúng tôi, năm bẩy anh chị em, ngồi và nằm la liệt trên sàn nhà đá hoa mát rượi, lau chùi bóng loáng bởi bà đầu bếp già.
Khi tất cả đâu vào đó, bố tôi bảo tắt đèn. Cả gia đình im lặng hướng lên một cái TV nhỏ xíu, trằng đen ở góc phòng của ông chú mua từ Guam đem về trong một chuyến hải quân tu nghiệp ở Mỹ. Trong căn phòng tối om, chỉ thấy ánh sáng lập loé trên những gương mặt ngây thơ, non nớt, tiếng nói, tiếng nhac của đài truyền hình Việt Nam, quyện lẫn tiếng quạt máy, đều đều, cũ kỹ trên trần nhà.
Tôi ngồi co ro, bó gối, mắt mở to theo dõi những tình tiết éo le của một bản kịch buồn của Tuý Hồng. Người mẹ già ở quê lên thăm con gái ở thành phố, tuy đã lấy chồng và bị hắt hủi, gạt gẫm nhưng vẫn căm chịu số phận vì muốn bảo vệ hạnh phúc của con gái đang lớn. Khi đến đoạn hai mẹ con ôm nhau khóc ngất, và rồi giọng hát cất lên...
Mùa thu thưa nắng, gió mang niềm nhớ.
Trời chiều man mác, buồn nát con tim.
Tôi lặng người. Đâu đó tiếng sụt sùi của mẹ, chị, và bà bếp già.Tôi cố nén sự súc động, không để lộ cho ai biết vì nước mắt mình cũng đang rơi trong cái bóng tối dầy đặc ấy...
Không biết vì Thu Sầu hay vở kịch buồn, nhưng Lam Phương đã đi vào lòng của một cậu bé từ đó và ngay cả hàng chục năm sau, không bằng cuồng nhiệt, nhưng dịu dàng như hơi thở và bình dị như nhạc của anh. Vĩnh biệt và cám ơn anh Lam Phương đã cho tôi những cảm súc sâu đậm và đầy nhân bản.
Comments
Post a Comment