Ông Táo Về Trời
Cứ mỗi năm khoảng gần Tết, gia đình tôi lại chạy quính quáng lo chuyện cúng bái. Mười năm như một, mồng Một Tết thì biết vì tôi Google và để trong online calendar, nhưng ngày cúng ông Táo là...? một tuần trước ngày mồng Một Tết hay một tuần trước đêm Giao Thừa? Cứ thế mà có năm Táo về chầu trời đúng ngày, có năm Táo bị quản thúc tại gia như bị Covid-19, Shelter In Place, chẳng được đi đâu vì trễ rồi.
Ngày hai đứa con còn nhỏ ở nhà, mỗi lần cúng bái gì, trong bữa ăn tối, tôi cũng ráng kể cho chúng nghe cái ý nghĩa của nó. Chuyện Táo Quân, hai ông một bà, tình nghĩa sâu đậm, cái chết bi thảm, động lòng Thượng Hoàng, trở thành vua bếp:
"Thể gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà"
Vân vân và vân vân mà hầu như không một người Việt Nam nào không nghe đến, dù ít dù nhiều.
Kể chuyện bằng tiếng Anh, lâu lâu lại đá vài câu tiếng Việt với hy vọng tụi nhỏ có cơ hội nhớ lại những gì chúng học Việt Ngữ ở chùa Việt Nam hàng tuần, mà mỗi lần chờ chúng đi học, cũng như đem tử tù đi làm khổ sai.
Hai thằng con chỉ tủm tỉm cười, hỏi lại những câu vớ vẩn về tình tiết éo le, những đoạn gây cấn khi cả ba người tự vẫn, hay là tại sao lò đất Việt có 3 chân mà không 4 chân như lò Mỹ! Còn đoạn hậu của câu chuyện, tại sao vua nhà bếp lại biết nhiều chuyện bí mật trong gia đình để tâu lại Thượng Hoàng, hay tại sao lại dùng con cá chép bay về trời thì chúng chẳng để ý lắm.
Sau nhiều năm kể chuyện mà tôi đoan chắc mỗi năm câu chuyện của tôi nó một khác dần, chúng nó vẫn nghe một cách lịch sự nhưng chẳng hỏi gì nữa ngoài chuyện cười đùa "I remember that part, Dad. You told us already!" hay là ...
Từ một câu chuyện tình nhà quê với nhiều chi tiết khác nhau qua bao nhiêu năm, cho đến chuyện thần thánh cúng bái để xin cầu phúc lợi là cả một sự xa cách, mang nặng tính cách truyền thuyết. Đáng tiếc thay, tôi chẳng tin gì cả và tôi biết rằng cả gia đình tôi cũng chẳng ai tin. Tôi nhiều lần tự hỏi mình nên làm những gì về những phong tục, tập quán mà có những cái hoàn toàn dị đoan và mâu thuẫn?
Thế nhưng qua bao nhiêu năm, mỗi lần thắp một nén nhang, lâm râm cầu khẩn mà trong lòng biết rằng chẳng có thần thánh nào sẽ phù hộ cho mình. Hơn nữa, tất cả những chuyện cúng bái ngày Tết, nó cũng chẳng giúp mình gì cả trong năm mới, ngoại trừ chính mình tìm ra cái lẽ để sống, mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho những người chung quanh, tôi lại thấy bình yên.
Tôi lại nhận ra một điều nữa. Văn Hóa.Tất cả chẳng qua là cái tài sản Văn Hóa đẹp của người mình mà mình phải có trách nhiệm bảo tồn nó. Vì nếu không có nó, cái xã hội văn minh này trở thành vô nghĩa.
Thế là bữa ăn tối đêm nay, tôi sẽ lại kể câu chuyện cũ rích hai ông một bà ...
Frank Nguyễn
Comments
Post a Comment