L’ILE DE LUMIERE (HÒN ĐẢO ÁNH SÁNG)



Hai trong 7 con tầu được cứu, chụp từ tầu L’Ile de Lumiere nam 1979.

Muà Hè năm 1979, 4 năm sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, mẹ tôi giắt 4 người em trai tôi lén lút vượt biển, tìm tự do như hằng trăm ngàn người Việt khác. Bố tôi, một sỹ quan trong quân lực Việt nam Cộng Hoà, và tôi, một học sinh trung học lúc ấy vẫn còn ở trong trại tập trung cải tạo đâu đó trong rừng sâu miền Bắc và Long Khánh.

Sau bao ngày lênh đênh trên biển, chiếc tầu mong manh chở gia đình tôi thoát khỏi hải phận Việt Nam. Nhưng cũng như bao nhiêu con tàu còn sống sót khác, nó không thoát khỏi hải tặc Thái Lan. “Tầu Thái Lan đầy dẫy, bu lại như kiến. Tụi nó cởi trần, cuốn serong, đen thui, to con, và hung hãn. Đứa nào cũng cầm mã tấu và búa, la hét rất là man rợ”, em tôi kể lại.


Sau khi lục xét và cậy nát tầu để kiếm vàng và nữ trang, bọn hải tặc lần lượt đem từng đàn bà và con gái trẻ qua tầu chúng để hãm hiếp. Khi tất cả đã xong, may mắn thay, chúng cho chiếc tầu tơi tả ltiếp tục ra đi. Ngày qua ngày, chiếc tầu lại tiếp tục gặp hải tặc Thái Lan, hết chiếc này tới chiếc khác. Khi chiếc tàu xơ xác không còn một thứ gì để lấy, không còn một tiếng khóc than, không còn một lời cầu nguyện, nó trôi dạt vào một bãi biển Mã Lai: bến bờ Tự Do !


Đêm hôm ấy, gia đình tôi ngủ ngoài bãi biển cùng mấy trăm người Việt Nam khác. Cảnh hiếp dâm lại tái diễn, lần này bởi cảnh sát Mã Lai. Ôi kiếp người tị nạn. Sáng sớm hôm sau , cảnh sát lùa tất cả lên những con tầu còn nổi được và kéo ra khơi, mặc cho những lời cầu khẩn, lạy lục và kêu khóc của hàng trăm người tuyệt vọng…


Đúng trong thời gian này, L’Ile de Lumiere, một con thuyền ở Pháp được chuyển thành bệnh viện, lên đường sang Châu Á để cứu những thuyền nhân đang chạy trốn khỏi Việt Nam và Campuchia. Hoạt động này được tổ chức bởi một bác sĩ, Bernard Kouchner, người đã vận động dư luận, giới truyền thông và các chính trị gia để cứu hàng ngàn người tị nạn. Đây là sự kiện quan trọng lúc ấy của các bác sĩ Pháp, áp lực chính quyền can thiệp vào chính trị ViệtNam cho nhân quyền và thực thi những hành động nhân đạo.


Những gì xẩy đến kế tiếp cho gia đình tôi được kể lại sau đây, qua phần trích dẫn và hình ảnh tôi tạm dịch từ báo Paris Match, một tờ báo nổi tiềng thế giới, ấn hành vào mùa Hè năm 1979:
“Khoảnh khắc ly kỳ nhất là lúc L’Ile de Lumiere đang đi về phía Singapore khi bảy chiếc thuyền chở quá tải gồm 873 thuyền nhân nổi lên từ biển, bỏ roi boi các nhân viên tuần duyên Malaysia, những người đã đưa họ trở lại biển khơi. Những người Việt Nam đã rời Sài Gòn và Ca mau sống lại cơn ác mộng trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của họ - "Khi họ hiểu rằng con tàu đang đến thẳng với họ là L'Ile de Lumiere, tất cả họ đều bật khóc." Jacques Pavlovsky nói. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ. Một trong những người sống sót nói với tôi: "Cứ như thể chúng tôi lại ở trong miệng sói. Chúng tôi chúc phúc cho bạn. Cảm ơn từ vợ của chúng tôi. Cảm ơn từ các con của chúng tôi". Người đầu tiên trong số những người sống sót này đã đến Pháp, qua Singapore. Sau mười sáu giờ đi máy bay. Ngày nay, họ đang ở các trung tâm tiếp tân của Herblay và Creteil. “Điều quan trọng là ,” họ nói, “Chúng tôi thực sự không còn sức để khóc nữa. Đối với chúng tôi, đó là tự do hay cái chết."”


Con tầu vượt biên của gia đình tôi chụp từ tầu L’Ile de Lumiere. Ba người em trai của tôi, Thụy ở mũi tầu, Thoại ở giữa, và Thông ở cuối tàu, có thể thấy trong hình này (vòng tròn đỏ)

Gia đình tôi là gia đình Việt Nam đầu tiên được thành phố Lille của Pháp bảo trợ. Mẹ tôi, thứ ba từ bên phải, Thông và Thoại, em trai tôi.

Xin cảm ơn chính phủ và nhân dân Pháp, bác sĩ Bernard Kouchner, Jacques Pavlovsky, và thủy thủ đoàn tầu L’Ile de Lumiere và bao nhiêu người khác đã tham dự vào sự cứu rỗi những người Việt ty nạn này.

Comments

Popular posts from this blog

Rain On The Red Flag - A Memoir by Frank Thanh Nguyen

RAIN ON THE RED FLAG - BOOK REVIEW BY REEDSY DISCOVERY

APRIL 30th, 1975 - THE FALL OF SAIGON (EXCERPT FROM RAIN ON THE RED FLAG MEMOIR)